Một số văn bản mới cập nhật từ ngày 06 – 12/12/2021.
- Tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/01/2022:
Ngày 07/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022, tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 108/2021, đơn cử như sau:
– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; Quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019,…
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000, Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010,…
Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.
- Điều chỉnh chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù với Bộ đội Biên phòng:
Nghị định 106/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó, quy định chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng như sau:
– Được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu:
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của các đối tượng này và hưởng các chế độ chính sách khác theo quy định khi:
+ Có thời gian từ 05 năm trở lên;
+ Có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo.
(Đây là nội dung mới bổ sung)
Ngoài các chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn được hưởng các khoản phụ cấp sau:
– Phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo.
– Phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.
– Phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe (quy định mới).
Xem chi tiết tại Nghị định 106/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/01/2022 và thay thế Nghị định 02/1998/NĐ-CP ngày 06/01/1998.
- Gia hạn nộp thuế TTĐB với ô tô sản xuất trong nước:
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và 11/2021 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:
– Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
– Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Sau thời gian gia hạn theo Nghị định 104/2021/NĐ-CP, việc nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.
Nghị định 104/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/12/2021.
- Quy định số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa:
Ngày 06/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, bổ sung nhiệm vụ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính của Bộ phận một cửa.
Cụ thể, một trong những trách nhiệm của Bộ phận Một cửa là:
– Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính;
– Tiếp nhận, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính;
– Giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính;
– Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;
– Theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;
– Thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.
Nghị định 107/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Nguồn: thuvienphapluat.vn