1. Mở đầu vấn đề
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ những thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải là cái khác. Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật.
Lượng và chất là hai mặt cơ bản của mọi sự vật hiện tượng. Trong bản thân sự vật thì hai mặt này luôn tác động qua lại, ở nột mức độ nào đó, làm cho sự vật phát triển. Khoảng giới hạn trong đó sự thay đổi về lượng trong sự vật chưa đủ làm thay đổi căn bản chất của sự vật được gọi là độ. Chỉ trong trường hợp khi sự thay đổi về lượng đạt tới mức đủ để dẫn tới sự thay đổi về chất thì độ bị phá vỡ và sự vật phát triển sang một giai đoạn mới, khác hẳn về chất.
Mọi sự vật trong thế giới vật chất đều vận động và phát triển không ngừng. Việc tích lũy về lượng cũng chính là một trong những cách vận động của sự vật. Vì thế, dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn thì việc tích lũy về lượng của sự vật cũng sẽ đến một giới hạn mà ở đó làm cho chất của sự vật thay đổi về căn bản. Thời điểm mà ở đó sự thay đổi về lượng đã đủ để làm thay đổi về chất của sự vật gọi là điểm nút. Chất của sự vật thay đổi do lượng của nó thay đổi trước đó gây ra gọi là bước nhảy.
2. Phân tích của Ăngghen về quy luật lượng – chất
Về quy luật lượng – chất, Ăngghen nêu: “Trong giới tự nhiên, thì những sự biến đổi về chất – xảy ra một cách xác định chặt chẽ đối với từng trường hợp cá biệt – chỉ có thể có được do thêm vào hay bớt đi một số lượng vật chất hay vận động (hay là năng lượng như người ta thường nói)”.
Ăngghen giải thích như sau: “Tất cả những sự khác nhau về chất trong giới tự nhiên đều dựa hoặc là trên thành phần hoá học khác nhau, hoặc là trên những số lượng hay hình thức vận động (năng lượng) khác nhau, hoặc như trong hầu hết mọi trường hợp, đều dựa trên cả hai cái đó. Như thế là nếu không thêm vào hoặc bớt đi một số vật chất hay vận động, nghĩa là nếu không thay đổi một vật thể về mặt số lượng, thì không thể thay đổi được chất lượng của vật thể ấy. Dưới hình thức ấy, luận đề thần bí của Hêghen không những đã trở nên hoàn toàn hợp lý mà thậm chí còn khá hiển nhiên nữa”.
Qua nhiều thí dụ về vật lý học và hoá học thời đó, Ăngghen vạch rõ khoa học tự nhiên luôn luôn chứng thực những sự chuyển hoá lượng thành chất: “Trong vật lý học, người ta coi các vật thể là những cái gì không biến hoá hoặc không khác biệt về mặt hoá học; ở đây, chúng ta có những sự biến hoá của trạng thái phân tử của các vật thể, và có sự biến đổi hình thái của vận động, sự biến đổi này, trong mọi trường hợp – ít nhất là ở một trong hai mặt – đều làm cho các phân tử hoạt động. Ở đây mọi sự biến hoá đều là sự đổi lượng thành chất, là kết quả của sự biến đổi về lượng của số lượng vận động – vận động bất kỳ dưới hình thức nào – cố hữu của vật thể ấy hoặc được truyền cho vật thể ấy”.
Ăngghen trích dẫn đoạn của Hêghen như sau: “Ví dụ như nhiệt độ của nước… không có ảnh hưởng gì mấy đến trạng thái lỏng của nó; nhưng nếu người ta tăng hoặc giảm nhiệt độ của chất nước lỏng, thì sẽ tới một điểm mà trạng thái kết hợp của nó sẽ biến đổi và nước trong trường hợp này sẽ biến thành hơi, trong trường hợp khác thành nước đá”.
Ăngghen nêu ra: “Ví dụ, cần phải có một cường độ dòng điện tối thiểu nhất định để đốt sáng dây bạch kim của đèn điện; ví dụ, mỗi kim loại có độ cháy sáng và nóng chảy của nó; ví dụ, mỗi chất lỏng có một điểm đông đặc và một điểm sôi nhất định ở một áp lực nhất định – chỉ cần chúng ta dùng những phương tiện của chúng ta để tạo ra những nhiệt độ tương đương; cuối cùng, ví dụ, mỗi chất khí cũng có một điểm tới hạn ở điểm này áp suất và sự làm lạnh sẽ biến thể khí thành thể lỏng. Nói tóm lại, những cái mà người ta gọi là hằng số vật lý học thì phần nhiều là chỉ những điểm nút, ở những điểm ấy chỉ cần đem thêm vào hoặc bớt đi một số lượng vận động thì biến đổi được trạng thái của vật thể về chất, cho nên ở những điểm ấy, lượng đổi thành chất”.
=> Ăngghen nhận xét, quy luật này đã toàn thắng rực rỡ trong hoá học và nêu định nghĩa “hoá học là khoa học của sự biến đổi về chất của vật thể sinh ra do sự thay đổi về thành phần số lượng”.
Ví dụ chứng minh vấn đề lượng – chất của Ăngghen
Ăngghen lần lượt nêu ví dụ trong hoá học để chứng minh cho quy luật lượng chất này: Chất khí làm cười (prôôxyt nitric N2O) khác với anhyđric nitơ (penôxyt nitric N2O5) biết bao. Chất thứ nhất là một chất khí, chất thứ hai là một chất rắn. Đó là do thành phần hoá học của chất thứ hai có chứa ô xy nhiều hơn năm lần chất thứ nhất.
Quy luật này còn thể hiện rõ trong các dãy đồng đẳng của các hợp chất cácbon, nhất là trong các chất hyđrô cácbon đơn giản nhất. Các chất được kết hợp lại với nhau theo công thức CnH2n+2, cứ mỗi lần thêm CH2 thì lại tạo ra một chất mới khác với chất trước.
Tiếp đó, Ăngghen lại chứng thực quy luật này ở hiện tượng các chất đồng phân. Đồng phân là hiện tượng nhiều chất có cấu tạo giống nhau, nhưng khác nhau về thuộc tính vật lý do sự sắp xếp các nguyên tử trong phân tử khác nhau, các nguyên tử được sắp xếp trong phân tử một cách khác nhau thì có ảnh hưởng hoá học khác nhau. Ăngghen cho rằng: “Những hợp chất đầu dãy đòi hỏi một sự sắp xếp duy nhất của các nguyên tử với nhau. Nhưng nếu trong một dãy, số lượng nguyên tử kết hợp thành phân tử là một số lượng nhất định, thì các nguyên tử trong phân tử có thể sắp xếp theo nhiều cách thức; vì thế cho nên chúng ta có thể thấy hai hoặc nhiều chất đồng phân có một số lượng C, H, O như nhau trong một phân tử, nhưng lại khác nhau về chất lượng. Thậm chí chúng ta lại còn có thể tách ra bao nhiêu chất đồng phân đối với từng thành phần của dãy. Ví dụ, trong dãy paraphin, C4H10 có hai đồng phân, C5H12 có ba, đối với các hợp chất cao cấp, số lượng các chất đồng phân tăng lên rất nhanh. Thế là ở đây cũng vậy, số lượng nguyên tử trong phân tử quy định khả năng tồn tại và, – trong chừng mực điều đó được thực nghiệm xác minh, – sự tồn tại thực sự của những chất đồng phân khác nhau về chất”.
Các quy luật của phép biện chứng thường được nhắc đến luôn trong nhiều bài văn chủ yếu, cũng như trong nhiều tài liệu sơ khảo. Ăngghen nói rằng, ông không định viết một tài liệu hướng dẫn về phép biện chứng mà chỉ muốn vạch rõ ràng các quy luật biện chứng là những quy luật phát triển thực tế của tự nhiên, và toàn bộ tác phẩm Biện chứng của tự nhiên của Ăngghen chính là nhằm chứng minh điều đó.
Tất cả các phần trong quyển sách này đều viết với tinh thần phép biện chứng duy vật. Vì vậy, khó mà nói rằng trong phần “Phép biện chứng”, Ăngghen đã trình bày xong về quy luật chuyển hoá lượng thành chất hay chưa. Chỉ có điều chắc chắn rằng quy luật này được Ăngghen nói tới nhiều chỗ trong những phần sau. Đặc biệt cần chú ý đến ý kiến của Ăngghen về sự chuyển hoá ngược lại từ chất thành lượng, điều này trong các tài liệu giáo khoa đôi khi không được nêu lên. Ăngghen phê phán thuyết máy móc và nói rằng quan điểm máy móc giải thích mọi sự biến đổi bằng sự thay đổi vị trí, giải thích tất cả mọi sự khác nhau về chất lượng bằng những sự khác nhau về số lượng và không thấy rằng quan hệ giữa số lượng và chất lượng là một quan hệ qua lại, rằng chất lượng có thể chuyển hoá thành số lượng cũng như số lượng có thể chuyển hoá thành chất lượng là một quan hệ qua lại”.
Đặc điểm của những người siêu hình trước hết là quy mọi sự khác nhau về chất thành những sự khác nhau về lượng, quan niệm về phát triển nói chung, chỉ là sự tuần tự tăng lên hay giảm bớt một cách giản đơn, chỉ là sự lắp lại cái cũ. Để phê phán những nhà siêu hình, Ăngghen đã nhấn mạnh những sự thay đổi về lượng dẫn đến chất đổi và ngược lại. Đó là nội dung chính của quy luật lượng – chất.
3. Khái quát nội dung lượng – chất
Mỗi sự vật, hiện tượng tồn tại ở một thể thống nhất bao gồm phần chất và phần lượng. Trong đó phần chất là phần tương đối ổn định còn phần lượng là phần thường xuyên có sự biến đổi.
Sự biến đổi này của lượng sẽ tạo nên sự mâu thuẫn giữa lượng và chất.
Trong một điều kiện nhất định đáp ứng được sự biến đổi về lượng, một sự vật, hiện tượng sẽ có sự biến đổi về lượng, đến một mức độ nhất định, nó sẽ phá vỡ chất cũ. Lúc này mâu thuẫn giữa lượng và chất được giải quyết, chất mới được hình thành với một lượng mới. Tuy nhiên bản chất của lượng là vận động nên nó sẽ không đứng yên mà sẽ tiếp tục vận động đến một thời điểm nào đó nó sẽ làm phá vỡ chất hiện tại.
Quá trình vận động giữa hai mặt Lượng và chất tác động với nhau qua hai mặt: Chúng tạo nên sự vận động liên tục và không dừng lại. Lượng sẽ biến đổi dần dần và tạo nên chất mới, hay nói cách khác, lượng biến đổi dần dần và tạo nên bước nhảy vọt. Sau đó chúng tiếp tục biến đổi dần và tạo nên bước nhảy vọt tiếp theo.
Nói một cách ngắn gọn thì nội dung quy luật lượng chất là bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng đều vận động và phát triển.
Biến đổi về lượng đến một mức nhất định sẽ dẫn đến biến đổi về chất, sản sinh chất mới. Rồi trên nền tảng của chất mới lại bắt đầu biến đổi về lượng. Biến đổi về lượng là nền tảng và chuẩn bị tất yếu của biến đổi về chất. Biến đổi về chất là kết quả tất yếu của biến đổi về lượng. Quy luật biến đổi về chất và lượng cho thấy trạng thái và quá trình phát triển của sự vật.
4. Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật lượng chất
a. Ý nghĩa trong nhận thức
– Nhờ có phương pháp luận lượng chất mà chung ta hiểu rằng bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng đều vận động và phát triển.
– Sự vật, hiện tượng nào cũng đều tồn tại hai mặt: Lượng và Chất. Do đó khi nhận thức, chúng ta cần nhận thức về cả hai mặt lượng và chất để có có cái nhìn phong phú hơn về những sự vật, hiện tượng tồn tại xung quanh chúng ta.
– Cần phải làm rõ quy luật phát triển của sự vật, hiện tượng bằng cách xác định giới hạn độ, điểm nút, bước nhảy.
b. Ý nghĩa trong thực tiễn
– Muốn có sự biến đổi về chất thì cần kiên trì để biến đổi về lượng (bao gồm độ và điểm nút);
– Cần tránh hai khuynh hướng sau:
Một là, nôn nóng tả khuynh: Đây là việc mà một cá nhân không kiên trì và nỗ lực để có sự thay đổi về lượng nhưng lại muốn có sự thay đổi về chất;
Hai là, bảo thủ hữu khuynh: Lượng đã được tích lũy đến mức điểm nút nhưng không muốn thực hiện bước nhảy để có sự thay đổi về chất.
– Nếu không muốn có sự thay đổi về chất thì cần biết cách kiểm soát lượng trong giới hạn độ.
– Bước nhảy là một giai đoạn hết sức đa dạng nên việc thực hiện bước nhảy phải được thực hiện một cách cẩn thận.
Chỉ thực hiện bước nhảy khi đã tích lũy lượng đến giới hạn điểm nút và thực hiện bước nhảy một cách phù hợp với từng thời điểm, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để tránh được những hậu quả không đáng có như không đạt được sự thay đổi về chất, dẫn đến việc phải thực hiện sự thay đổi về lượng lại từ đầu.
5. ứng dụng quy luật lượng chất trong quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên
Là học sinh, sinh viên, ai cũng phải trải qua quá trình học tập ở các bậc học phổ thông, từ mẫu giáo đến cấp ba, kéo dài trong suốt 12 năm.
Trong 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều được trang bị những kiến thức cơ bản của các môn học thuộc hai lĩnh vực cơ bản, đó là: Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bên cạnh đó, mỗi học sinh lại tự trang bị cho mình những kĩ năng, những hiểu biết riêng về cuộc sống, về tự nhiên, xã hội. Ta thấy rõ rằng là:
– Quá trình tích lũy về lượng – tri thức của mỗi học sinh là một quá trình dài, đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn chính từ sự nỗ lực và khả năng của bản thân người học.
– Quy luật lượng chất thể hiện ở chỗ, mỗi học sinh dần tích lũy cho mình một khối lượng kiến thức nhất định qua từng bài học trên lớp cũng như trong việc giải bài tập ở nhà. Việc tích lũy kiến thức sẽ được đánh giá qua các kì học, trước hết là các kì thi học kì và cuối cấp là kì thi tốt nghiệp.
Với việc tích lũy đủ lượng kiến thức cần thiết sẽ giúp học sinh vượt qua các kì thi và chuyển sang một giai đoạn học mới.
=> Như vậy, ta có thể thấy: Trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh thì quá trình học tập tích lũy kiến thức chính là độ, các kì thi chính là điểm nút, việc vượt qua các kì thi chính là bước nhảy làm cho việc tiếp thu tri thức của học sinh bước sang giai đoạn mới, tức là có sự thay đổi về chất. Trong suốt 12 năm học phổ thông, mỗi học sinh đều phải tích lũy đủ khối lượng kiến thức và vượt qua những điểm nút khác nhau, nhưng điểm nút quan trọng nhất, đánh dấu bước nhảy vọt về chất và lượng mà học sinh nào cũng muốn vượt qua đó là kì thi đại học. Vượt qua kì thi tốt nghiệp cấp 3 đã là một điểm nút quan trọng, nhưng vượt qua được kì thi đại học lại còn là điểm nút quan trọng hơn, việc vượt qua điểm nút này chứng tỏ học sinh đã có sự tích lũy đầy đủ về lượng, tạo nên bước nhảy vọt, mở ra một thời kì phát triển mới của lượng và chất, từ học sinh chuyển thành sinh viên.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!