1. Định nghĩa Tư pháp

Tư pháp là Theo thuyết tam quyền phân lập, tư pháp là một trong ba quyền của quyền lực nhà nước: lập pháp (làm pháp luật, ban hành pháp luật);hành pháp (thi hành pháp luật) và tư pháp (giữ gìn, bảo vệ pháp luật, xử lý các việc vi phạm pháp luật). Theo quan điểm của nhà nước Việt Nam, tư pháp chỉ công việc tổ chức giữ gìn, bảo vệ pháp luật.

Tư pháp với nghĩa pháp lí chung nhất, tư pháp được quan niệm như là một ý tưởng về một nền công lí, đòi hỏi việc giải quyết những tranh chấp xảy ra trong xã hội phải đúng pháp luật, phù hợp với lẽ công bằng, bảo đảm lòng tin của nhân dân và xã hội vào pháp luật, góp phần duy trì trật tự pháp luật, bảo đảm sự an toàn pháp lí cho cá nhân, sự ổn định và phát triển của xã hội.

Theo ngữ nghĩa Hán Việt thì tư pháp là trông coi, bảo vệ pháp luật.

Xét theo khía cạnh thể chế nhà nước, ở các nước thực hiện nguyên tắc phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước, thì tư pháp được hiểu là một trong ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó quyền tư pháp được hiểu đồng nghĩa với quyền xét xử chỉ do toà án thực hiện. Vì vậy, ở các nước này, nói đến cơ quan tư pháp tức là nói đến toà án.

Ở nước ta, quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, quyền tư pháp là một trong ba quyền hợp thành quyền lực nhà nước, được hiểu là hoạt động xét xử của các toà án và những hoạt động của cơ quan nhà nước khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của toà án như điều tra, truy tố, bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ chế độ, pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng và duy trì công lí. Để thực hiện quyền tư pháp đó, hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam bao gồm: toà án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thì hành án và các tổ chức tư pháp bổ trợ (như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật…). Trong đó, toà án nhân dân là nơi biểu hiện tập trung quyền tư pháp, sử dụng công khai các kết quả của hoạt động điều tra, công tố, bào chữa, giám định tư pháp thông qua các thủ tục tố tụng do luật định để đưa ra phán quyết cuối phạm thuộc chương “Các lội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh” của Bộ luật hình sự năm 1999, cùng thể hiện quyền lực nhà nước, Hoạt động xét xử của toà án nhân dân cũng là nơi thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống cơ quan tư pháp nói riêng và của toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước nói chung (Xf. Hành chính tư pháp; Cơ quan tư pháp).

Tư pháp còn là từ chung chỉ các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử hoặc tên cơ quan làm các nhiệm vụ về hành chính tư pháp. Ví dụ: bộ tư pháp, sở tư pháp…

 

2. Cơ quan tư pháp là gì ?

Cơ quan tư pháp (hay hệ thống tư pháp) là một hệ thống tòa án để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết các tranh chấp. Theo chủ thuyết tam quyền phân lập, cơ quan tư pháp là phân nhánh chính của một chính thể, có trách nhiệm chính về việc diễn giải luật.

3. Hệ thống cơ quan tư pháp

Hệ thống cơ quan tư pháp nước ta thời kì 1992 đến nay tiếp tục được củng cố và hoàn thiện trên cơ sở kế thừa và phát triển những giá trị và yếu tố hợp lí của hệ thống cơ quan tư pháp các thời kì trước đồng thời có những cải biến quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt, sau khi có Hiến pháp năm 1992 sửa đổi tháng 12/2001. Có thể khái quát những điểm mới cơ bản như sau:

a) Đã hình thành hệ thống cơ quan thi hành án dân sự từ trung ương xuống địa phương, bao gồm: Cục quản lí thi hành án dân dự thuộc Bộ tư pháp (ở trung ương); các phòng thi hành án (ở cấp tỉnh) và các đội thi hành án (ở cấp huyện). Đây là điểm mới quan trọng trong quá trình củng cố và phát triển hệ thống cơ quan tư pháp nước ta trong thời kì này.

b) Có sự điều chỉnh đáng kể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp:

– Đối với hệ thống tòa án nhân dân, đã thành lập một số toà chuyên trách mới (toà kinh tế, toà lao động, toà hành chính); đã bổ sung hai nguyên tắc mới trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân: Toà án có thể xét xử kín “để giữ bí mật cho các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ” (Điều 7 Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi năm 1993) và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế (Điều 8 Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi năm 1995); bỏ thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm của TANDTC; chế độ bổ nhiệm thẩm phán đã được áp dụng và thực hiện sự phân cấp: Chánh án tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu và miễn nhiệm; thẩm phán tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức; thẩm phán tòa án nhân dân địa phương do chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của hội đồng tuyển chọn thẩm phán; tòa án nhân dân tối cao quản lí các tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức..

– Đối với hệ thống viện kiểm sát nhân dân, chức năng của viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (không còn chức năng kiểm sát chung); đặt các viện kiểm sát nhân dân sát dưới sự giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

– Đối với hệ thống cơ quan điều tra về cơ bản vẫn được củng cố và hoàn thiện trên cơ sở kế thừa và phát triển mô hình tổ chức và hoạt động của giai đoạn trước.

– Đối với các cơ quan thi hành án dân sự, đã giao cho chính quyền địa phương thực hiện một số hoạt động để tăng cường sự phối hợp chỉ đạo và nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của hệ thống cơ quan tư pháp nước ta trong hơn nửa thế kỉ qua có thể thấy rằng hệ thống cơ quan tư pháp là bộ phận trọng yếu của bộ máy nhà nước. Quá trình hình thành và phát triển của hệ thống các cơ quan tư pháp nước ta gắn với từng thời kì của cách mạng Việt Nam, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp luôn mang đậm dấu tích lịch sử của mỗi thời kì cụ thể đó. Hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới đang đi vào chiều sâu, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đang đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó có vấn đề cải cách tư pháp, đòi hỏi phải tiếp tục có sự nghiên cứu toàn diện, cơ bản để xây dựng luận cứ khoa học cho công cuộc cải cách đó. Có nhiều hướng tiếp cận khác nhau để thực hiện nhiệm vụ này và việc nghiên cứu, đánh giá từ góc độ lịch sử chắc chắn sẽ là một trong những hướng cần được tiếp tục thực hiện.

4. Tư pháp quy định trong Hiến pháp 2013

Ở nước ta, quyền tư pháp cùng với quyền lập pháp và quyền hành pháp tạo thành quyền lực thống nhất của Nhà nước, mục đích thực hiện quyền tư pháp là xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh, bổ sung, thay đổi hoặc chấm dứt từ các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ do Tòa án thực hiện bằng thủ tục tố tụng chặt chẽ, dân chủ, công khai và công bằng, nhằm khôi phục, duy trì trật tự pháp luật, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, góp phần bảo đảm pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm minh. Tại khoản 3 Điều 2 và khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới hạn việc nghiên cứu về quyền tư pháp và cơ quan thực thi quyền tư pháp theo tinh thần quy định của Hiến pháp năm 2013, mà theo đó, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tư pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bởi ngoài những quy định có liên quan tại Hiến pháp năm 2013, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

 

5. Quan điểm xây dựng và phát triển tư pháp

Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, quyền tư pháp và cơ quan thực thi quyền tư pháp được quy định rõ. Tuy nhiên, khái niệm về quyền tư pháp thì chưa được định nghĩa hoặc giải thích chính thống từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hiểu một cách thống nhất, dẫn đến nhận thức có sự khác nhau về quyền tư pháp. Xoay quanh nội dung này, hiện có các nhóm quan điểm sau:

+ Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyền tư pháp được hiểu là hoạt động xét xử của Tòa án và những hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án, nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế, trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Nhóm quan điểm này, quyền tư pháp được thực hiện không chỉ bởi cơ quan xét xử (tòa án), mà cả Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra và các cơ quan trợ giúp tư pháp, như: Luật sư, Công chứng, Giám định, Tư vấn pháp luật,…Những người theo quan điểm này, căn cứ vào Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

+ Nhóm quan điểm thứ hai: Quyền tư pháp là quyền mà Nhà nước giao cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,… theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm các thủ tục tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục tố tụng hành chính,… Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân , Cơ quan thi hành án đều thực hiện quyền tư pháp theo những mức độ khác nhau. Việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án gắn liền với chức năng xét xử và chỉ thực hiện khi và chỉ khi xét xử chứ không bao trùm cả chức năng điều tra, chức năng công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân chỉ xảy ra khi vụ việc được chuyển đến Tòa án xem xét, giải quyết và hoàn toàn độc lập với hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Do vậy, Quyền tư pháp được hiểu là tập hợp những hoạt động cụ thể do cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, các tranh chấp pháp luật, hướng tới mục đích giải quyết các vụ án, tranh chấp một cách khách quan, đúng đắn và các hoạt động liên quan đến thi hành các phán quyết của Tòa án, mà các hoạt động đó thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và thi hành án.