Tư Vấn Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

Pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi có hành vi xâm phạm xảy ra như biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự và biện pháp tự bảo vệ và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, khi có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, các chủ thể lại băn khoăn không biết nên áp dụng biện pháp nào, áp dụng như thế nào để có hiệu quả nhanh chóng, giảm thiệt hại kinh tế, lại có tính răn đe các thủ thể khác không tái phạm…Việc lựa chọn phương án giải quyết phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý hành vi vi phạm. Đối với mỗi phương án có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào mỗi vụ việc sẽ lựa chọn phương án phù hợp.

I. Biện pháp dân sự

Khi áp dụng biện pháp dân sự thì Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó:

  • Thu giữ;
  • Kê biên;
  • Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
  • Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

II. Biện pháp hành chính

Khi có căn cứ xác định có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm và có thể áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

  • Tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;
  • Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

  • Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

Ngoài ra, trong một số trường hợp thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính bao gồm:

  • Tạm giữ người;
  • Tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm;
  • Khám người;
  • Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ;
  • Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

III. Biện pháp hình sự

Đối với các hành vi như  xâm phạm quyền tác giả, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. Tuỳ theo mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị phạt tù, bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản do thu nhập bất chính… Thông thường, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự nếu trước đó đã bị xử lý hành chính.

IV. Biện pháp tự bảo vệ

Biện pháp tự bảo vệ có nghĩa là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự mình áp dụng một số biện pháp trong khuôn khổ pháp luật quy định để bảo vệ quyền của mình như: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sử dụng công nghệ cao để in tem, nhãn chống hàng giả, phần mềm chống sao chép…; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm; nộp đơn khởi kiện ra tòa án/trọng tài.

V. Biện pháp khác

Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát lô hàng nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Để thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cung cấp đầy đủ thông tin để xác định hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nộp khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng với trị giá bằng 20% giá trị lô hàng cần áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trong trường hợp không có cơ sở chứng minh hàng hóa đó xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ thể yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu,  nhập khẩu có trách nhiệm  Bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh cho người bị áp dụng biện pháp kiểm soát.

VI. Những chú ý khi khởi kiện tại tòa án/trọng tài:

1. Chủ thể có quyền khởi kiện:

ĐỐI VỚI QUYỀN KHỞI KIỆN VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN:

Phải là các chủ thể sau: Tác giả; Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; Người thừa kế hợp pháp của tác giả hoặc của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; Cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; Cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm theo hợp đồng; Người biểu diễn; Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; Tổ chức phát sóng; Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được uỷ thác quyền; Các chủ thể quyền khác theo quy định của pháp luật; Cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

ĐỐI VỚI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP:

Cá nhân, tổ chức tranh chấp về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Tác giả/đồng tác giả sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Chủ văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp; Cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng hợp pháp chỉ dẫn địa lý; Tổ chức, cá nhân có đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Người thừa kế hợp pháp quyền sở công nghiệp; Cá nhân, tổ chức được chuyển giao hợp pháp quyền sở hữu/sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp; Các chủ thể quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi nộp đơn khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, cần lưu ý: việc khởi kiện chỉ được chấp nhận trong thời hạn đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ và hành vi vi phạm xảy ra trong thời hạn bảo hộ.

2. Chứng cứ

ĐỐI VỚI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN, CHỨNG CỨ BAO GỒM:

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả, trong trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả thì chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể chứng minh việc mình đã sáng tạo ra tác phẩm và sự sáng tạo đó đã được định hình dưới một hình thức vật chất; Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thể hiện dưới hình thức: bài báo, sách, tạp chí, băng, đĩa âm thanh, băng, đĩa hình… có nội dung vi phạm tác phẩm đã được bảo hộ; Di chúc hợp pháp, bản án, quyết định của Toà án về việc chia di sản thừa kế (trong trường hợp giải quyết tranh chấp phát sinh từ thừa kế quyền tác giả); Các hợp đồng liên quan đến vụ việc như: Hợp đồng thuê sáng tạo, hợp đồng lao động và văn bản giao việc (trong trường hợp chứng minh cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm), hợp đồng sử dụng tác phẩm, hợp đồng dịch vụ bản quyền tác giả …; Hoá đơn thanh toán thù lao, nhuận bút…

ĐỐI VỚI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, CHỨNG CỨ BAO GỒM:

Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp, bằng bảo hộ giống cây trồng mới; Hợp đồng thuê sáng tạo; hợp đồng lao động và văn bản giao việc; Di chúc hợp pháp, bản án, quyết định của Toà án về việc chia di sản thừa kế trong trường hợp giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sở hữu công nghiệp; Các hợp đồng, giấy tờ khác về việc mua bán, gửi giữ, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá/dịch vụ có gắn đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trong trường hợp chứng minh hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp; Các hoá đơn, chứng từ hợp lệ…

3. Bồi thường thiệt hại

Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

THIỆT HẠI VỀ VẬT CHẤT BAO GỒM:

  • Các tổn thất về tài sản;
  • Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận;
  • Tổn thất về cơ hội kinh doanh;
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

THIỆT HẠI VỀ TINH THẦN BAO GỒM:

Các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Rate this post
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
.
.
.
.