Trong đời sống xã hội, không có yếu tố nào của quá trình điều chỉnh pháp luật lại không có mối liên hệ hoặc thiếu đi sự ảnh hưởng, chi phối của ý thức pháp luật. Thực tế trong sự tồn tại, phát huy vai trò của mỗi yếu tố với mức độ ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp đều có dấu ấn của ý thức pháp luật. Do đó, cùng với các ngành khoa học khác, ý thức pháp luật là một phạm trù thuộc đối tượng nghiên cứu quan trọng của khoa học pháp lí. Việc nghiên cứu ý thức pháp luật không đơn thuần chỉ để nhận thức lí luận mà có giá trị thực tiễn trên các mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công dân coi trọng tính thượng tôn pháp luật thì việc kiến giải đó càng có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, việc tiếp cận, xem xét ý thức pháp luật nếu bỏ qua việc làm sáng tỏ đặc tính, cơ sở nguồn cội và bản chất của hiện tượng này thì thiếu đi tính toàn diện, sự thấu đáo về phương diện nhận thức. Hơn nữa, điều đó cũng sẽ đem lại những khó khăn nhất định khi xem xét ý thức pháp luật trong mối quan hệ đa chiều với các yếu tố khác ở các hình thái kinh tế xã hội khác nhau.
Theo đó, dưới góc độ triết học phạm trù ý thức nói chung thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần và ý thức pháp luật là một hình thái của ý thức xã hội. Như vậy, ý thức pháp luật là hiện tượng có đời sống thực tế gắn kết chặt chẽ với đời sống của nhà nước và sự cộng sinh của pháp luật Tương tự như các hình thái ý thức xã hội khác, ý thức pháp luật là phạm trù chủ quan, vô hình, do đó, việc nhận diện nó chủ yếu cảm quan qua các yếu tố khác của đời sống pháp lí.
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lí khác, thể hiện mối quan hệ giữa con người đối với pháp luật (pháp luật đã qua, pháp luật hiện hành và pháp luật cần phải có) và sự đánh giả về mức độ công bằng, bình đẳng; tính hợp pháp hay không hợp pháp… đổi với các hành vi, lợi ích hoặc quan hệ từ thực tiễn đời sống pháp lí và xã hội.
Ý thức pháp luật luôn chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố như nền tảng kinh tế, kết cấu xã hội, tương quan so sánh lực lượng, quan điểm, tư tưởng của lực lượng cầm quyền, xu thế thời đại… Trong đời sống pháp lí, ý thức pháp luật là nhân tố đóng vai trò quyết định chi phối trực tiếp đến tính chất, hiệu quả thực tế của các hoạt động pháp lí.
2. Đặc điểm của ý thức pháp luật
Dưới góc độ tổng quan, việc nghiên cứu ý thức pháp luật có thể rút ra những điểm cơ bản sau:
– Cũng như mọi hình thái ý thức xã hội khác, ý thức pháp luật do tồn tại xã hội quy định. Mặc dù vậy, ý thức pháp luật có tính độc lập tương đối với tồn tại xã hội. Nó phản ánh điều kiện tồn tại xã hội và là cơ sở nhận thức để cải tạo, phục Vụ xã hội của con người. Gắn liền với sự vận động và phát triển của xã hội, ý thức pháp luật tác động trở lại đối với tồn tại xã hội theo những chiều hướng khác nhau.
– Ý thức pháp luật mang tính giai cấp. Không có ý thức pháp luật thuần túy, ngoài giai cấp, phi giai cấp. Suy cho cùng, ý thức pháp luật chính là sản phẩm từng giai cấp trong sự phát triển của lịch sử xã hội. Nó là tiền đề để xây dựng các giá trị, chuẩn mực pháp lí của từng giai cấp đối với xã hội, là cơ sở để hình thành thế giới quan pháp lí chính thống trong xã hội. Trong xã hội có giai cấp, sự khác nhau về điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần của mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội đã đem lại sự khác nhau nhất định về ý thức pháp luật giữa các giai cấp và các lực lượng cầm quyền.
– Ý thức pháp luật được coi là tiền đề thiết yếu cho quá trình để tạo lập hay làm ra pháp luật bằng những con đường, cách thức cụ thể khác nhau thông qua nhà nước. Nhu cầu, khuynh hướng điều chỉnh và phương thức thể hiện nhà nước bảo đảm cho quá trình pháp luật hóa quan hệ xã hội một cách phù hợp, sát thực trên thực tế được thực hiện qua phạm trù ý thức pháp luật.
– Trong quá trình vận động và phát triển, ý thức pháp luật có tính kế thừa trên cơ sở chọn lọc đối với một số nhân tố của ý thức pháp luật trước đó, chẳng hạn như các nguyên lí, học thuyết của pháp luật hoặc các tư tưởng, giá trị pháp lí ghi nhận về quyền con người…
– Trong ý thức pháp luật có bộ phận tư tưởng khoa học về pháp luật có thể vượt lên trước tồn tại xã hội. Đối với hệ tư tưởng pháp luật thì tri thức khoa học là yếu tố cơ bản bởi nó có thể đem lại sự nhìn nhận khách quan đối với tồn tại xã hội. ‘Trong những điều kiện nhất định, tư tưởng khoa học có tính dẫn đường, đi trước đối với tồn tại xã hội. Điều này không đơn thuần khẳng định sự độc lập tương đối của ý thức pháp luật so với tồn tại xã hội mà nó là tiền đề tư tưởng – pháp lí trực tiếp góp phần phục vụ cho quá trình điều chỉnh pháp luật và công cuộc cải tạo xã hội trên thực tế.
– Ý thức pháp luật có quan hệ và sự tác động qua lại với các hình thái ý thức xã hội khác cũng như các hiện tượng khác của thượng tầng pháp lí. Nhìn chung, sự tác động của ý thức pháp luật với ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức tôn giáo… luôn thể hiện ở sự đan xen, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình tồn tại và vận động. Sẽ là sự tác động tích cực nếu có sự phù hợp giữa ý thức pháp luật với các loại hình ý thức đó và ngược lại, đó sẽ là nhân tố cản trở lẫn nhau nếu giữa các phạm trù ý thức đó thiếu đi sự tương đồng cần thiết.
Có thể nói, ý thức chính trị và ý thức pháp luật không chỉ cùng xuất hiện và đồng hành tồn tại trong môi trường xã hội có giai cấp mà giữa nó có sự gắn bó, tương tác với nhau. Thực tiễn nhận thức cũng đã từng có quan niệm sai lầm dẫn đến mặc nhiên nhất thể hoá hai hiện tượng ý thức này, coi ý thức pháp luật là một phần của ý thức chính trị và giáo dục chính trị đồng nghĩa vớì giáo dục pháp luật. Ý thức pháp luật và ý thức chính trị đều coi trọng, sử dụng công cụ pháp luật để thể hiện các yêu cầu, nội dung của mình trong đời sống thực tiễn, đời sống chính trị – pháp lí. Nếu như ý thức chính trị là quan niệm, học thuyết, quan điểm về chính trị của giai cấp cầm quyền có vai trò định hướng cho ý thức pháp luật trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật thì ý thức pháp luật sẽ làm sâu sắc hơn việc chuyển tải, thể hiện các nội dung phạm trù của ý thức chính trị thông qua chế định pháp luật.
Ý thức đạo đức là loại hình ý thức xuất hiện sớm nhất cùng với xã hội con người. Đó là những phạm trù, nguyên lí cho việc hình thành hệ thống chuẩn mực đạo đức được lưu truyền, phổ biến để quản lí xã hội. Ý thức pháp luật xuất hiện muộn hơn nhưng có quan hệ chặt chẽ với ý thức đạo đức bởi cả hai phạm trù ý thức này đều có vai trò tiền đề nhận thức cho việc hình thành các công cụ quản lí xã hội thiết yếu là đạo đức và pháp luật. Trên- thực tế, sự hài hoà và tác động qua lại lẫn nhau giữa đạo đức và pháp luật toong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội chỉ có thể được đặt ra trên nền tảng sự thống nhất tương đối giữa ý thức đạo đức và ý thức pháp luật.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, các quan niệm về tôn giáo xuất hiện từ thời kì xã hội nguyên thủy. Đó là ý thức sơ khai về niềm tin có một sự chở che của thần linh với con người. Cùng với sự phát triển, ý thức tôn giáo cũng có đổi thay ít nhiều về khuynh hướng, nội dung nhưng nhìn chung xét về bản chất nó phục thiện, vị nhân. Giữa ý thức pháp luật và ý thức tôn giáo đều hướng tới sự hoàn thiện nhân cách con người, điều chỉnh hành vi con người và đều thể hiện nội dung, ý chí của mình bằng hệ thống quy tắc, chuẩn mực trên thực tế. Như vậy, ý thức pháp luật là nền tảng cho hệ thống pháp luật thực định thì ý thức tôn giáo là nền tảng cho các quy tắc của các tôn giáo.
Sự tác động qua lại giữa ý thức pháp luật đối với các bộ phận khác của kiến trúc thượng tầng pháp lí như nhà nước, pháp luật luôn là sự tương tác cơ bản và có ý nghĩa quan trọng nhất. Ý thức pháp luật chi phối trực tiếp việc hình thành hệ thống cơ quan nhà nước và quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Ý thức pháp luật là nhân tố tiền đề cho việc xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật.
3. Cấu trúc của ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật, xét về cấu trúc, bao gồm hai bộ phận:
1) Tư tưởng pháp luật, đó là tổng thể những quan điểm, quan niệm, học thuyết, sự hiểu biết về pháp luật;
2) Tâm lí pháp luật, đó là thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Tình cảm đó có thể là sự đồng tình, sự vui mừng phấn khởi, sự tôn trọng pháp luật hoặc là sự phản đối, sự thờ ơ, thiếu tôn trọng pháp luật.
Ý thức pháp luật có thể hiểu trên nhiều cấp độ khác nhau, vì vậy có thể phân chia ý thức pháp luật thành các loại: ý thức pháp luật cá nhân, ý thức pháp luật giai cấp, ý thức pháp luật xã hội. Trong các nhà nước bóc lột, ý thức pháp luật của giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị hoàn toàn khác nhau. Do nhiều quy định của pháp luật chỉ thể hiện ý chí và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà không bảo vệ quyền lợi của giai cấp bị thống trị nên một đạo luật được giai cấp thống trị ủng hộ lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía giai cấp bị thống trị. Trong các nhà nước dân chủ, tiến bộ khi pháp luật thể hiện ý chí chung của nhân dân thì ý thức pháp luật trong xã hội sẽ thống nhất, việc nâng cao ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân sẽ thuận lợi hơn. Ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, chịu sự chỉ phối của tổn tại xã hội. Vì vậy, muốn nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, trước hết phải chăm lo đến đời sống của nhân dân, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh là tạo ra một nền tảng kinh tế-xã hội để xây dựng một xã hội có ý thức pháp luật và văn hoá pháp lí cao. Mặt khác, ý thức pháp luật có tính độc lập tương đối, nó có thể đi trước làm tiền để cho kinh tế-xã hội phát triển. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy nền kinh tế – xã hội phát triển.
4. Phân tích tác động của pháp luật đối với ý thức pháp luật
Pháp luật trong sự hình thành, tồn tại và phát huy giá trị của mình luôn chịu sự tác động của ý thức pháp luật. Ngược lại, pháp luật cũng tác động đến sự vận động, phát triển của ý thức pháp luật.
Xét từ góc độ chung, sự tồn tại của hệ thống pháp luật bằng nhiều cách sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên nhận thức của các chủ thể, do đó nó trở thành nhân tố, phương tiện thúc đẩy sự phát triển của ý thức pháp luật trên thực tế. Điều này cũng có thể lí giải thêm bởi chính pháp luật là “nguồn”, bộ phận cơ bản để tạo nên nội dung của hệ tư tưởng pháp luật cũng như định hướng tâm lí pháp luật đối với các chủ thể. Như vậy, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khách quan sẽ là điều kiện thiết yếu cho việc nâng cao ý thức pháp luật trên thực tế.
Xét từ góc độ thực tế, cụ thể, pháp luật hoàn toàn không có khả năng tự tác động vào ý thức của con người mà nó được chuyển hoá thông qua chính quá trình nhận thức của con người. Như vậy, khi cá nhân con người có năng lực nhận thức, ý thức và sự hiểu biết pháp luật tốt thì sự tác động của các quy định pháp luật lên ý thức của họ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi và khả năng đem lại hiệu quả cao. Ngược lại, đối với người năng lực nhận thức và ý thức pháp luật thấp kém thì sự tác động của pháp luật lại diễn ra hạn chế, kém hiệu quả.